Lượt xem: 297

Trần Đề nâng chất đàn bò

Huyện Trần Đề là địa phương có tổng đàn bò lớn thứ 2 của tỉnh Sóc Trăng. Con bò được xác định là đối tượng vật nuôi chủ lực trong định hướng phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện. Thay vì chỉ tập trung phát triển về số lượng, tranh thủ các chính sách hỗ trợ từ nhiều chương trình, dự án, Trần Đề đặc biệt chú trọng đến công tác nâng chất đàn bò nhằm cải thiện sản lượng sữa và thịt, góp phần nâng cao thu nhập cho hộ dân khu vực nông thôn.

 


Nghề chăn nuôi bò thịt và bò sữa tại huyện Trần Đề ngày càng phát triển giúp thu nhập của hộ chăn nuôi ngày càng được cải thiện

 

    Mặc dù được xem là nghề truyền thống, nhưng điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chăn nuôi chưa đảm bảo yêu cầu khiến số lượng và chất lượng đàn bò thịt của huyện Trần Đề chưa phát triển được như kỳ vọng. Từ thực tế này, tranh thủ sự hỗ trợ từ Dự án Phát triển chăn nuôi bò của tỉnh, huyện đã tiến hành rà soát, lựa chọn hộ có đủ khả năng đối ứng vốn để tham gia mô hình nuôi bò theo hướng VietGAHP.

    Chuồng trại được xây dựng kiên cố, phụ phế phẩm trong quá trình chăn nuôi được xử lý triệt để, đàn bò có sự cải thiện rõ rệt về tầm vóc... đây là kết quả có được sau gần 2 năm tham gia mô hình chăn nuôi bò thịt theo hướng VietGAHP của hộ anh Hồ Minh Liệt ở ấp Tiên Cường 2, xã Thạnh Thới An. Ngoài hỗ trợ 50% kinh phí để nâng cấp chuồng trại, tham gia mô hình, anh Liệt còn được Ban quản lý Dự án tư vấn chọn lựa, lai tạo con giống, đồng thời, hỗ trợ  xây dựng thêm hố ủ phân và hầm biogas để xử lý chất thải. Nhờ môi trường chăn nuôi đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ nên dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt. Đàn bò có sự cải thiện vượt trội về năng suất và chất lượng nên giá bán luôn có sự chênh lệch cao hơn so với phương thức chăn nuôi truyền thống. Anh Hồ Minh Liệt, hộ nuôi bò thịt ở ấp Tiên Cường 2, xã Thạnh Thới An cho biết: “So với nuôi bình thường thì khi nuôi VietGAP sản lượng thịt cao hơn khoảng 20%, giá trị cũng cao hơn. Ngoài ra, phân  bò khi  xử lý qua hầm ủ sẽ thành phân hữu cơ, mình sử dụng bón lại để trồng cỏ nuôi bò, nước thải thì đưa vào hố biogas để sử dụng làm khí đốt trong sinh hoạt gia đình”.

    Riêng với đàn bò sữa, để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trong tất cả các khâu để đàn bò đạt chất lượng và sản lượng sữa tốt nhất cũng rất được địa phương quan tâm. Nhờ vậy, hiệu suất cho sữa tại đàn bò của nhiều hộ hiện đã có sự tăng trưởng gấp đôi so với thời gian trước như hộ ông Châu Nhỏ ở ấp An Hòa 2, xã Thạnh Thới An. Ông Nhỏ quyết định duy trì ổn định quy mô chăn nuôi với tổng đàn bò sữa hiện có là 30 con. Ông mạnh dạn đầu tư thiết bị quạt mát, máy phun sương để khu vực chuồng trại luôn đảm bảo thoáng mát trong những ngày thời tiết oi bức, tránh ảnh hưởng đến khả năng cho sữa của bò. Ngoài nguồn thức ăn thô xanh, ông Nhỏ còn bổ sung thêm thức ăn tinh để cung cấp cho đàn bò lượng dinh dưỡng cân đối. Nhờ quy trình chăn nuôi khoa học từ khâu chăm sóc, nuôi dưỡng đến vệ sinh chuồng trại, 8 con bò đang cho sữa đã giúp gia đình ông Châu Nhỏ duy trì nguồn thu ổn định mỗi tháng là 50 triệu đồng. Ông Châu Nhỏ cho biết thêm: “Ở đây tôi cũng cho bò ăn thêm thức ăn công nghiệp, bổ sung khoáng, vitamin để chất lượng sữa đạt tốt nhất. Khi mình cho ăn đầy đủ, cung cấp đủ dinh dưỡng là sản lượng sẽ tăng lên. Trước đây mỗi ngày được có 60kg, giờ lên được 120kg rồi”.

    Tính đến cuối năm 2022, tổng đàn bò trên địa bàn huyện Trần Đề đã phát triển được gần 13.000 con; trong đó đàn bò thịt gần 10.500 con, bò sữa là 2.500 con. Theo kế hoạch, trong năm 2023, huyện sẽ được Ban quản lý Dự án phát triển chăn nuôi bò của tỉnh hỗ trợ chuyển giao thêm 85 con bò thịt và 15 con bò sữa cùng rất nhiều mô hình, chính sách hỗ trợ khác. Bên cạnh rà soát, lựa chọn đúng đối tượng thụ hưởng để đầu tư hiệu quả, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp để phát triển nghề chăn nuôi bò của địa phương theo hướng ưu tiên về “chất” thay vì “lượng”. Đồng chí Trần Hoàng Dũng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi huyện Trần Đề thông tin thêm: “Đối với đàn bò thịt, chúng tôi đang cải tạo dần đàn bò cái lai, cải tạo lại vóc dáng, trọng lượng để tăng sản lượng thịt. Ngoài ra, công tác chăm sóc, quản lý, nuôi dưỡng, gieo tinh cũng là những vấn đề bà con cần lưu ý để tránh ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng thịt. Còn đối với đàn bò sữa, do điều kiện thời tiết, khí hậu trên địa bàn khá nóng nên một phần nào đó ảnh hưởng đến sản lượng cho sữa. Vì vậy, chúng ta cần áp dụng nhiều biện pháp kết hợp bao gồm dinh dưỡng, chăm sóc, nuôi dưỡng, kể cả chuồng trại thì mới tăng được sản lượng sữa. Thêm một điều quan trọng mà bà con cần lưu ý là chúng ta phải thực hiện tiêm phòng bệnh đầy đủ cho đàn bò để lượng sữa khi chúng ta sản xuất ra sẽ được đơn vị thu mua chấp nhận”.

    Có thể thấy, mặc dù không có sự tăng trưởng mạnh về quy mô chăn nuôi, nhưng nghề chăn nuôi bò thịt và bò sữa tại huyện Trần Đề đã khẳng định được hiệu quả kinh tế rõ rệt khi thu nhập của hộ nuôi ngày càng được cải thiện. Các chương trình, dự án hỗ trợ được triển khai đồng bộ, kịp thời là cơ sở quan trọng để bà con chăn nuôi an tâm đầu tư, nâng cấp chuồng trại, tiếp cận nhiều hơn với các quy trình, kỹ thuật nuôi tiến bộ nhằm thúc đẩy nghề chăn nuôi bò của huyện phát triển bền vững, hiệu quả. Qua đó, góp phần hoàn thành các mục tiêu được đề ra trong Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 80
  • Hôm nay: 7641
  • Trong tuần: 78,348
  • Tất cả: 11,801,668